Tiểu sử Leopold của Bayern

Sự nghiệp quân sự ban đầu

Vương tử Leopold, người cháu nội của vua Ludwig I đã gia nhập quân đội Bayern ở tuổi 15, và được phong quân hàm trung úy vào ngày 28 tháng 11 năm 1861.[1][2] Ông đã tham gia chiến trận lần đầu tiên trong Chiến dịch Main của cuộc Chiến tranh Áo-Phổ năm 1866, khi mà ông chỉ huy một khẩu đội pháo của Bayern tại KissingenRoßbrunn.

Vào năm 1870, vua xứ BayernLudwig II phái Leopold ra chiến trường nước Pháp, nơi quân đội Bayern liên minh chiến đấu với quân đội Phổ trong cuộc Chiến tranh Pháp-Đức. Ông đã phục vụ trong Trung đoàn Pháo binh số 3 của Bayern và tham chiến tại Sedan vào ngày 1 tháng 9. Tiếp theo đó, trong trận Villepion vào ngày 2 tháng 12, tuy chỉ có 4 khẩu đại bác vẫn còn hoạt động nhưng khẩu đội pháo dưới quyền ông đã cản bước tiến quân Pháp đến Nonneville. Nhờ 4 khẩu pháo của ông, một cuộc đột phá của quân Pháp đã bị ngăn chặn, mặc dù trận đánh kết thúc với chiến thắng chung cuộc của quân đội Pháp. Ông được phong quân hàm thiếu tá vào tháng 12 năm 1870 và tham chiến trong trận Beaugency từ ngày 8 cho đến ngày 10 tháng 12 năm 1870.[1][3][4][5] Vì lòng dũng cảm của ông trong chiến đấu, ông được phong tặng Huân chương Thập tự Sắt cả hạng nhất lẫn hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng nhất của Bayern, cùng với Thập tự Hiệp sĩ của Huân chương Quân sự Max Joseph, huân chương quân sự cao quý nhất của Bayern, và các huy chương đến từ các quốc gia khác tại Đức.

Cùng với thân phụ của ông là Luitpold, người đại diện cho Bayern, ông đã tham dự lễ thành lập Đế quốc Đức tại Phòng Gương ở điện Versailles, Pháp, vào ngày 18 tháng 1 năm 1871.[6][7] Như thường lệ, vì la một thành viên trong vương tộc nên ông được thăng tiến nhanh chóng trên những bước đường binh nghiệp của mình. Trong những năm sau cuộc chiến, Vương tử Leopold giành phần lớn thời gian của mình để đi du lịch, ông đến thăm châu Phi, châu Á, và các nước châu Âu. Vào ngày 20 tháng 4 năm 1873, tại Viên, ông thành hôn với người em họ thứ hai của mình là Đại Công nương Gisela của Áo, con gái của Hoàng đế Franz Joseph I của ÁoHoàng hậu Elisabeth. Ông tiếp tục phục vụ trong quân đội Bayern, ông lên cấp tướng vào năm 1887 và được bổ nhiệm làm Tư lệnh của Quân đoàn I. Vào năm 1895, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục thanh tra quân đội IV, bao gồm các lực lượng Phổ và Bayern. Vào năm 1895, ông được lên quân hàm Đại tướng, và vào ngày Tết Dương lịch năm 1905, ông đã được Hoàng đế Wilhelm II của Đức ban chiếc gậy Thống chế (Generalfeldmarschall). Ông rời khỏi quân ngũ vào tháng 3 năm 1913,[1] hai năm sau lễ kỷ niệm 50 năm phục vụ quân đội của ông.

Chiến tranh thế giới thứ nhất

Tuy nhiên, thời gian nghỉ hưu của Vương tử Leopold không dài lâu. Vào ngày 16 tháng 4 năm 1915, ông được lãnh quyền chỉ huy của Tập đoàn quân số 9 của Đức, thay cho tướng August von Mackensen. Leopold nhanh chóng thể hiện tài dụng binh của mình: ông đánh chiếm Warzsawa vào ngày 4 tháng 8 năm 1915. Tiếp theo sau thắng lợi này, các lực lượng dưới quyền ông đánh chiếm các pháo đài Novogeorgievsk và Ivangorod. Sau đó, Erich von Falkenhayn – Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức[1] – bổ nhiệm ông làm tư lệnh của Cụm tập đoàn quân Vương tử Leopold xứ Bayern (Heeresgruppe Prinz Leopold von Bayern), bao gồm một lực lượng hỗn hợp của Đức - Áo-Hung ở khu vực trung tâm trên Mặt trận phía Đông. Điều này mang tính chất của một nỗ lực của Fallkenhayn nhằm cắt giảm ảnh hưởng của HindenburgLudendorff, hai người có quan điểm đối lập với chiến lược của Falkenhayn, hơn là sự thừa nhận của Falkenhayn đối với tài năng của Leopold. Sau khi lãnh chức Tư lệnh Cụm tập đoàn quân, ông đã đánh bật quân Nga tới Minsk[1]. Ông được tặng thưởng Đại Thập tự của Huân chương Quân sự Max Joseph vào ngày 5 tháng 8 năm 1915, Huân chương Quân công, huân chương quân sự cao quý nhất của Phổ, vào ngày 9 tháng 8 năm 1915 và bó sồi gắn vào Huân chương Quân công danh giá vào ngày 25 tháng 7 năm 1917.

Vào năm 1916, sau khi mặt trận Áo-Hung bị tan rã trong Chiến dịch tấn công Brusilov của quân đội Nga, Leopold quyết định phải phòng ngự ở mặt trận này. Các lực lượng của Leopold cuối cùng đã chặn được bước tiến của quân Nga gần Baranovichi.[1] Vào ngày 29 tháng 8 năm 1916, sau khi Thống chế Hindenburg được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức thay thế cho Falkenhayn, Leopold được bổ nhiệm làm Tư lệnh Tối cao của tất cả các lực lượng trên Mặt trận phía Đông (Oberbefehlshaber Ost), gồm cả hai tập đoàn quân Áo-Hung trên một mặt trận kéo dài từ biển Ban Tích đến dãy núi Karpath[1]. Leopold giữ chức vụ này trong khoảng thời gian còn lại của cuộc chiến. Đại tá Max Hoffmann, người tham mưu trưởng của ông, đã có ảnh hưởng rất to lớn đến ông[1]. Vào ngày 4 tháng 3 năm 1918, Leopold lại được nhận một phần thưởng cao quý nữa, Đại Thập tự của Huân chương Thập tự Sắt, vốn chỉ được trao tặng 5 lần trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Vào tháng 4 năm 1917, Vương tử Leopold tiến hành một chiến dịch tấn công thắng lợi qua sông Stokhod gần Toboly. Vào tháng 7, ông lại phát động một chiến dịch tấn công, và kết thúc vào tháng sau với việc quân Nga bị đẩy lùi khỏi GaliciaBukovina. Vào tháng 9, quân đội Đức đánh chiếm Riga và tiến vào vùng Ban Tích. Vào ngày 26 tháng 11, chính quyền Bolshevik mới thành lập của Nga ký kết một hiệp định đình chiến với Đức. Tuy nhiên, hiệp định đình chiến kết thúc vào tháng 2 năm 1918, khi quân Đức tiếp tục tấn công, đánh chiếm cả Estonia lẫn Litva và đánh lui quân Nga về phía sau sông Dnepr. Quân Đức cũng chiếm được cả bán đảo KrymUkraina[1]. Leopold giải ngũ một lần nữa vào năm 1918, sau khi ký kết Hòa ước Brest-Litovsky – bản hòa ước chấm dứt cuộc chiến trên Mặt trận phía Đông. Các điều khoản của hòa ước này rất thuận lợi cho Đức, và Leopold đã chấm dứt sự nghiệp của mình với thành công. Ông từ trần vào ngày 28 tháng 9 năm 1930 tại München, và được mai táng tại nghĩa trang Colombarium ở Nhà thờ Thánh Michael (Michaelskirche) ở München.